Diễn biến chính của chiến cục Chiến_cục_năm_1972_tại_Việt_Nam

Tại mặt trận Trị Thiên Huế

Chiến cục khởi đầu tại Trị Thiên Huế ngày 30 tháng 3 năm 1972 bằng cuộc tấn công của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam vào cụm cứ điểm phòng ngự Đông Hà - Quảng Trị của QLVNCH. Ngày 28/4, Quân Giải phóng chiếm Đông Hà. Ngày 2/5, sau khi chiếm Quảng Trị, Quân Giải phóng tiếp tục tấn công đến Sông Mỹ Chánh thì bị QLVNCH chặn lại. Ngày 28 tháng 7, QLVNCH mở chiến dịch phản công Lam Sơn 72 đẩy lùi Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam về tuyến Sông Thạch Hãn. Sau 81 ngày đêm chiến đấu giằng co ác liệt xung quanh Thành cổ Quảng Trị, QLVNCH chiếm được thành cổ nhưng không còn lực lượng để chiếm lại phần đất phía Bắc sông Thạch Hãn như kế hoạch. Hai bên giữ thế phòng thủ, chỉ tổ chức tấn công nhỏ lẻ nhằm thăm dò, trinh sát. Ngày 27 tháng 1 năm 1973, QLVNCH mở cuộc đột kích vào Cửa Việt định chiếm cảng này nhưng bị Quân Giải phóng phản đột kích đánh lui. Hai bên giữ thế tranh chấp đến tháng 3 năm 1975.

Tại Tây Nguyên và Bắc Bình Định

Mặt trận Bắc Tây Nguyên

Cuộc tấn công của Quân Giải phóng tại Mặt trận Bắc Tây nguyên mở màn muộn hơn các chiến trường khác do mặt trận này không được đảm bảo vật chất đúng thời hạn. Nhưng nếu xét cả các trận đánh tạo thế thì nó còn bắt đầu trước Chiến dịch Trị Thiên Huế 4 ngày. Ngày 26/3/1972, tiểu đoàn 6 và đại đội 1 (BĐĐP) phối hợp với trung đoàn 95 (độc lập) Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cắt đường 14 tại Chư Thoi. Từ 30/3, Sư đoàn 320A nghi binh trên dãy cao điểm phía Tây từ Ngọc Rinh Rua đến K'Leng, thu hút 2 lữ dù, một phần sư đoàn 2 ra phản kích và đánh tiêu hao các đơn vị này. Ngày 24/4, đợt 1 của bắt đầu với đòn đánh chiếm Tân Cảnh của Sư 2 (chủ lực khu 5) diệt 2 trung đoàn của sư 22 QLVNCH. Do phải hoãn trận đánh nhiều lần, không kịp huy động lực lượng, Quân Giải phóng không tận dụng được thời cơ QLVNCH đang rối loạn để tấn công Kon Tum. Bởi vậy, QLVNCH có thời gian đưa sư 23 (thiếu) đến tăng viện, tổ chức phòng ngự vững chắc. Từ ngày 14/4 đến ngày 24/5, các sư 320 và 2, các trung đoàn 66, 28 Quân Giải phóng tấn công quyết liệt, chiếm một phần thị xã nhưng không giữ được. QLVNCH liên tục phản kích. Hoa Kỳ đưa 25 box B-52 ném bom hủy diệt. Vì lực lượng hạn chế, sau khi chịu tổn thất nặng và cũng tiêu diệt nhiều sinh lực đối phương; ngày 6/6 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam rút quân khỏi khu vực thị xã nhưng vẫn giữ được các quận lỵ Đắc Tô, Tân Cảnh làm bàn đạp để phát triển trong Chiến dịch Hồ Chí Minh sau này.

Mặt trận phối hợp Bắc Bình Định

Từ ngày 9 tháng 4 đến ngày 2 tháng 6, sư đoàn 3 Sao Vàng chủ lực khu V của Quân Giải phóng dưới quyền chỉ huy của thiếu tướng Chu Huy Mân và chính uỷ Võ Chí Công mở chiến dịch tấn công tổng hợp vào sư đoàn 22 và các đơn vị địa phương quân của QLVNCH tại Bắc Bình Định, chiếm giữ các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn và 11 xã phía Bắc huyện Phù Mỹ.

Tại Nam Bộ

Đại tướng Hoàng Văn Thái, Năm 1972 là Trung tướng, tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, đại diện Quân ủy Trung ương tại mặt trận B2 (Đông Nam Bộ)

.

Chiến dịch Nguyễn Huệ

"Chiến dịch Nguyễn Huệ" là tên gọi trong báo cáo của Quân ủy miền tháng 1 năm 1973. Trong các sách, sử Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trước năm 1975 đều gọi đây là Mặt trận miền Đông Nam Bộ. Đây là một trong 3 mặt trận chính trong Chiến cục năm 1972 tại Việt Nam. Ban đầu, nó được chọn làm hướng tấn công chủ yếu. Đến ngày 27/3/1972, Chiến dịch Nguyễn Huệ trở thành một hướng tấn công quan trọng theo quyết định của Bộ chính trị và Tổng Quân ủy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Chiến dịch bắt đầu ngày 1/4/1972 bằng các cuộc đột kích của đoàn C30B chủ lực miền (QGPMNVN) vào Xa Mát - Tân Biên. QLVNCH đưa chiến đoàn 49 (gồm thiết đoàn 6 và trung đoàn 49, sư 25) phản kích nhưng bị đẩy lùi về Tây Ninh. Ngày 5/4, sư đoàn 5 (Công trường 5) và trung đoàn 3 (sư 9) tấn công Lộc Ninh. QLVNCH đưa thiết đoàn 9 và trung đoàn 1 (sư 25) lên ứng cứu Lộc Ninh nhưng không thành công. Ngày 8/4, Lộc Ninh thất thủ. Ngày 13/4, sư đoàn 9 (Công trường 9) và một đơn vị nhỏ của sư đoàn 5 tấn công An Lộc (tức Bình Long), sư đoàn 7 (Công trường 7) chốt giữ khu vực Chơn Thành, Tàu Ô; sử dụng các đơn vị địa phương tập kích Chơn Thành, Bến Cát. QLVNCH lập cầu hàng không tăng viện lữ đoàn 2 (dù) cho An Lộc, điều sư đoàn 18 và các trung đoàn 3, 5 (sư 21) giải tỏa vòng vây cho An Lộc nhưng vẫn bị chặn lại ở tuyến Chơn Thành - Tàu Ô. Sau hai tháng chiến đấu, QLVNCH giữ được An Lộc nhưng không giải tỏa được khu vực Tàu Ô. Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố Lộc Ninh là thủ đô của mình nhưng chỉ được Trung Quốc, Liên Xô, khối XHCN Đông Âu và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận, không được VNCH, Mỹ và các đồng minh của Mỹ thừa nhận. Hai bên giữ thế tranh chấp kiểu da báo đến tháng 3 năm 1975.

Chiến dịch khu 8

Tại các tỉnh Mỹ Tho, Kiến Tường, Kiến Phong, Gò Công, Bến Tre, (Bắc Việt Nam gọi là khu 8);từ ngày 10 tháng 6 đến ngày 10 tháng 9, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã mở một chiến dịch tấn công kếp hợp với dân chúng nổi dậy, Sau 93 ngày đêm giao chiến, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam chiếm được 27 xã, 22 ấp với 240.000 dân. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố đã loại khỏi vòng chiến đấu 34.500 lính (diệt 23.000, bắt 1.500, làm tan rã 10.000), bắn rơi 60 máy bay, phá huỷ 126 xe thiết giáp M113, 179 xe quân sự khác, 73 tàu, xuồng chiến đấu trên sông, 37 khẩu pháo, 21 kho, thu 3.222 súng các loại, 261 máy thông tin PRC 25. Hình thành thế cài răng lược với QLVNCH cho đến ngày ký kết Hiệp định Paris.

Các chiến trường phối hợp

Trong Chiến cục năm 1972, chiến sự ở miền Nam Việt Nam không chỉ diễn ra trên 3 mặt trận chính mà còn diễn ra ở các chiến trường phối hợp như Bắc Bình Định, Đồng Bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, vì là chiến trường phối hợp nên các bên đều tham chiến với lực lượng hạn chế (không quá 2 sư đoàn bộ binh), số lượng vũ khí, khí tài và phương tiện hiện đại kém xa các mặt trận chính. Điều đặc biệt là các chiến dịch này đều không có sự tham gia trực tiếp của Hải lực và Không lực Hoa Kỳ. Những thua thiệt của Quân lực Việt Nam Cộng hòa trên các chiến trường này càng chứng minh nhận xét của Nguyễn Văn Thiệu: "Nếu Hoa Kỳ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau 3 giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi Dinh Độc Lập!".[31]

Mặt trận phòng không ở miền Bắc năm 1972

Một đơn vị tên lửa SAM-2 của Quân đội Nhân dân Việt Nam trước trận đánh

Đây được coi là mặt trận góp công rất lớn và đi đến thắng lợi của hiệp định Paris.

Để ngăn chặn các tuyến đường vận chuyển chiến lược của QĐNDVN qua khu 4 (Vùng cán xoong) và kéo các đơn vị phòng không chủ lực (tên lửa, cao xạ) ra phía Bắc, tạo điều kiện cho Không lực Hoa Kỳ (nhất là B-52) tránh gặp tên lửa của QĐNDVN trên chiến trường, qua đó yểm trợ có hiệu quả hơn, đồng thời giải tỏa áp lực cho QLVNCH tại miền Nam Việt Nam; ngày 6 tháng 4 năm 1972, Tổng thống Richard Nixon ra lệnh mở chiến dịch Linebacker, dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc Việt Nam (kể cả B-52), thả thủy lôi phong tỏa các cửa biển, bến cảng Bắc Việt Nam, đặc biệt là cảng Hải Phòng. Các trận tác chiến đất đối không - không đối đất ở miền Bắc Nam 1972 được chia làm 2 giai đoạn:

Các hoại động không kích của Không lực Hoa Kỳ trong 8 tháng của năm 1972 đã phá hủy hầu hết những công trình kinh tế quốc dân quan trọng mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phục hồi và xây dựng mới qua 3 năm tạm có hòa bình (tháng 11/1968-tháng 3/1972) nhưng không thể ngăn chặn được việc vận chuyển người, vũ khí, trang bị kỹ thuật và hàng quân nhu vào miền Nam Việt Nam. Phía Hoa Kỳ cũng bị tổn thất lớn với nhiều máy bay hiện đại như B-52, F-111, F-4 bị hạ. Và Việt Nam vẫn tự hào cho rằng, cho đến hiện nay chỉ có Quân đội Nhân dân Việt Nam bắn rơi được máy bay B52 của mỹ. Không những thế, chính phủ Hoa Kỳ còn vấp phải là sóng phản chiến mạnh mẽ từ nhiều nơi trên thế giới và ngay trong lòng nước Mỹ.

Linebacker II hay Điện Biên Phủ trên không là trận đánh đất đối không - không đối đất cuối cùng trong chiến tranh Việt Nam giữa lực lượng phòng không-không quân QĐNDVN và Không lực Hoa Kỳ. Kết quả của nó là một trong những yếu tố quyết định dẫn đến việc ký kết Hiệp định Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973 chấm dứt sự dính líu về quân sự của Hoa Kỳ vào Chiến tranh Việt Nam.